Sin sui hồ - Điểm nhấn du lịch Lai Châu
Vốn được sinh ra ở vùng núi rừng Tây Bắc, nên tôi cũng không còn lạ lẫm gì với các bản làng của người Mông - trong ký ức vẫn là những bản làng ở những vùng hẻo lánh xa xôi, đường núi gập ghềnh hiểm trở cách các trung tâm huyện lỵ cả ngày hoặc thậm chí vài ngày di chuyển, nơi mà cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều lam lũ, khổ cực, cùng những tệ nạn như trồng và hút thuốc phiện, rượu chè bê tha và những hủ tục lạc hậu đã tồn tại hàng trăm năm qua... Vậy nên khi tham gia đoàn Famtrip kích cầu du lịch cùng anh chị em đồng nghiệp đến Lai Châu, chúng tôi được Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Tỉnh Lai Châu thông báo sẽ được đến thăm và nghỉ lại tại một bản của người Mông ở độ cao trên 1.400m cheo leo trên đỉnh núi Sơn Bạc Mây cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, tôi cũng không hứng thú lắm, thậm chí có đôi chút lo ngại về hành trình di chuyển và điều kiện vệ sinh khi lưu trú tại đây, dù chỉ là một đêm...
Đón chúng tôi vào một sáng tiết trời mát mẻ có chút se lạnh, đặc trưng thời tiết của vùng cao Tây Bắc, là những chiếc xe 29 chỗ cùng Lãnh đạo, cán bộ Sở VHTT & DL Lai Châu, cán bộ Ủy ban nhân dân huyện Tam Đường, Huyện Phong Thổ và một số ACE đồng nghiệp tại Lai Châu, và đặc biệt là sự đồng hành của Cô gái người Mông dễ thương – Hảng Thị Sú – Con gái của Mục Sư Hảng A Xà tại bản Sin Sui Hồ, sau chút thời gian ghé thăm chợ phiên ở thành phố - thường chỉ diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần, Đoàn chúng tôi đến thăm Bản Vàng Pheo – một bản du lịch của người Thái và dùng cơm trưa tại đây. Sau bữa trưa, đoàn chúng tôi bắt đầu hành hành trình đến với Bản Sin Sui Hồ...
Qua khoảng 10km đường nhựa khá êm xuôi, chúng tôi bắt đầu đến đoạn leo núi lên đỉnh Sơn Bạc Mây, đường đi hẹp dần, có những đoạn 2 xe tránh nhau khó khăn, đường sóc hơn nhiều, càng lên cao đường càng quanh co khúc khuỷu… Cán bộ Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Lai Châu cho chúng tôi biết, tới đây con đường này sẽ được nâng cấp và mở rộng nhằm kết nối đồng bào vùng cao với các trung tâm huyện lỵ của tỉnh, để phát triển kinh tế và du lịch hơn nữa. Xe đến lưng chừng núi, hiện ra trong tầm mắt của chúng tôi là những thửa ruộng bậc thang xanh ngát tựa mình vào những dãy núi cao hùng vĩ ẩn mình dưới những đám mây trắng hững hờ trôi, hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh vô cùng nên thơ lãng mạn… Bạn cán bộ Sở văn hóa theo đoàn giới thiệu, nếu đến Sin Sui Hồ vào dịp thu tháng 9, tháng 10, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng ánh sắc vàng rực rỡ của những thửa ruộng lúa chín và hoa dã quỳ nở rộ 2 bên đường cùng màu xanh của núi rừng tạo nên một khung cảnh lãng mạn bội phần…
Gần đến Bản, Bạn cán bộ Sở văn hóa giới thiệu thêm chúng tôi, tại Bản Sin Sui Hồ có quy ước 5 không đối với người dân trong bản: “ Không trồng và hút thuốc phiện, không hút thuốc lá, không rượu chè cờ bạc, không trộm cắp, không xả rác bừa bãi “ … Tôi và Anh chị em đồng nghiệp cũng có phần hơi ngạc nhiên và nghi ngờ về quy ước này, về việc trồng và hút thuốc phiện, thì hiện nay chính quyền và lực lượng bộ đội biên phòng tại các địa phương đã quản lý rất chặt chẽ, vừa vận động, vừa ngăn cấm nên tình trạng trồng và hút thuốc phiện gần như đã được xóa bỏ… những điều còn lại trong quy ước kia thì sao?, bạn cán bộ sở văn hóa khẳng định lại điều đó làm kích thích sự tò mò của chúng tôi và càng mong nhanh đến Bản để kiểm nghiệm thực tế…
Sau hơn 1 tiếng di chuyển, xe đưa đoàn chúng tôi cũng đến bản, vừa bước xuống xe ấn tượng ngay với các thành viên trong đoàn là những chàng trai cô gái trong những bộ trang phục truyền thống của người Mông đứng hai bên đường chào đón với nụ cười rạng rỡ trên môi… trên tay là những khay mẹt nước thảo quả được đựng trong những cốc làm từ tre xinh xắn…Thảo quả - một loại dược thảo có vị ngọt nhẹ được chính bà con nơi đây trồng có rất nhiều công dụng trong điều trị tiêu hóa và giải độc cơ thể… Tôi và ACE trong đoàn lại càng ngạc nhiên hơn khi cô gái người Mông Hảng Thị Sú giới thiệu thêm, tất cả các vật dụng trong bản hầu hết đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên như tre, mây thay vì nhựa hay túi ni lông để bảo vệ môi trường…
Ra đón đoàn chúng tôi có Trưởng Bản - anh Vàng A Chỉnh, vị mục sư Hảng A Xà, cùng nhiều bà con dân bản. Cũng như nhiều bộ phận người dân tộc Mông ở vùng miền khác, người dân bản Sin Sui Hồ theo Đạo Tin Lành. Nếu nói Trưởng Bản Vàng A Chỉnh là vị Tư lệnh của bản thì Mục sư Hảng A Xà chính là vị chính ủy – người thủ lĩnh tinh thần của bản làng, những người kiến trúc sư đã đi tiên phong để xây dựng lên một bản làng xanh, sạch, đẹp như ngày hôm nay từ hơn 20 năm trước.
Các anh trải lòng:
Cũng như nhiều bản làng của người Mông ở các vùng miền trước đây, Bản Sin Sui Hồ gồm 134 hộ dân – cũng dính vào các tệ nạn như nghiện ma túy, rượu chè bê tha, tình trạng trộm cắp và các tệ nạn xã hội xảy ra thường xuyên trong bản. Các anh suy nghĩ, nếu muốn đời sống của bà con dân bản được tốt hơn, trước hết phải dẹp được tệ nạn ma túy, nghĩ là làm, suốt từ năm 1995, hai anh kiên trì vận động đến từng hộ dân, từng người dân trong bản từ bỏ trồng và hút thuốc phiện, quá trình này là cả một chặng đường gian nan… mãi đến năm 2014, được sự ủng hộ của hầu hết bà con dân bản, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, nỗ lực của các anh cũng đã thành công, trong bản không còn một ai nghiện ma túy nữa. Dẹp được tệ nạn ma túy rồi, nhưng đời sống của bà con trong bản vẫn còn vạn phần khó khăn, người dân quanh năm chỉ quanh quẩn bên nương ngô ruộng lúa, cuộc sống vất vả, tự cung tự cấp, làm không đủ ăn… Làm thế nào để đời sống của bà con được khấm khá hơn, trong khi trình độ dân trí còn hạn hẹp, đường xá đi lại thì khó khăn, bản thân anh Trưởng Bản Vàng A Chỉnh cũng chỉ vừa qua lớp xóa mù chữ… Nhưng với lòng quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, các anh tự mầy mò, vừa làm vừa học… với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng của vùng núi cao, các anh bắt tay vào làm và cùng vận động bà con trồng thêm các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây Thảo quả, cây đào, địa lan…bên cạnh những nương ngô, ruộng lúa và chăn nuôi truyền thống. Đến nay, cả bản có hàng nghìn gốc đào và gần 3.000 gốc địa lan cùng hàng chục hecta thảo quả… Nhưng nuôi trồng rồi, làm cách nào để bà con có thể tiêu thụ hàng hóa được làm ra một cách thuận lợi… các anh lại tự nguyện hiến đất của mình để xây dựng chợ, trước mắt để bà con trong bản trao đổi thông thương hàng hóa, dần dần các bản xung quanh và người dân ở các huyện lỵ cũng lên tham gia mua bán thúc đẩy giao thương, hiện nay chợ vẫn duy trì họp vào thứ bảy hàng tuần. Không chỉ dừng lại ở đó, các anh còn tự nghiên cứu học tập qua báo chí, qua mạng xã hội các mô hình làm du lịch bản làng ở các địa phương khác và áp dụng sao cho phù hợp với bản làng mình mà vẫn phải giữ được bản sắc vốn có của bản làng… Các anh lại vận động bà con tu sửa lại cửa nhà sạch sẽ gọn gàng, dời các khu chăn nuôi ra xa khu riêng biệt, cách xa khu vực sinh hoạt của gia đình, dựng lại cổng chào của bản, cồng vào của mỗi hộ gia đình bằng các chất liệu tự nhiên như mây, tre, gỗ sẵn có, làm đường đi lối lại trong bản sạch sẽ, nhà ai có điều kiện thì tu sửa, mua sắm thêm trang thiết bị để làm nơi trú cho khách du lịch theo mô hình homestay, thành lập các tổ chuyên trách theo công việc, mỗi tổ 12 người , ví dụ như tổ phục vụ, tổ vận chuyển – đưa đón khách đi lại bằng xe máy trong bản miễn phí, tổ vệ sinh, tổ văn nghệ ..v.v… cứ như vậy, vừa làm vừa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cứ thứ 7 hàng tuần các tổ nhóm lại họp bàn với nhau, chủ nhật thì những người chủ chốt trong bản lại gặp mặt để lắng nghe ý kiến, cùng nhau bàn bạc để sao cho cách thức hoạt động được tốt hơn, hiệu quả hơn… dần dà, tiếng lành đồn xa, với sự chuyên nghiệp trong cách phục vụ, sự thân thiện của người dân, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, khí hậu trong lành, cộng với mức chi phí khá hợp lý ( chỉ 250.000đ / người/ đêm bao gồm 1 bữa ăn chính và 1 bữa sáng ) – các đoàn khách trong nước và khách du lịch quốc tế đến thăm quan và lưu trú tại bản ngày càng đông.
Sau vài phút trải lòng và giới thiệu về bản làng, các anh dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng bản, chúng tôi lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác… đâu tiên là hình ảnh những người dân trên đường chúng tôi gặp, mà tôi biết chắc họ không phải làm trong tổ làm công tác phục vụ khách du lịch, vì trang phục bình thường của họ và những đồ vật dụng cụ họ cầm trên tay, nhưng vẫn đứng lại tươi cười cúi đầu chào đoàn chúng tôi bằng tiếng Kinh mạch lạc, trẻ em khép nép đứng hai bên đường với anh mắt xoe tròn nhìn chúng tôi mà không hề có hiện tượng chèo kéo, xin xỏ như các điểm du lịch cộng đồng khác… tiếp đến là các ngôi nhà của bà con vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng của người dân tộc dù tường được làm bằng đất hay gỗ… xung quanh là những chậu lan rừng và cây ăn trái tạo nên một không gian mát mẻ, thư thái… Đặt chân vào bên trong những ngôi nhà làm nơi lưu trú cho khách du lịch, cái ký ức về sự bừa bộn, có mùi hôi thối từ vật nuôi của bản làng người Mông thuở ấu thơ trong tôi đã tan biến từ lúc nào không rõ, bởi sự sạch sẽ gọn gàng đến bất ngờ, từ khu vệ sinh với đầy đủ trang thiết bị dành cho khách du lịch như dầu tắm, nước gội đầu, bình nước nóng đến khu nghỉ với những tấm ga trải giường, gối và chăn nệm trắng muốt được xếp gọn gàng, ngăn nắp trên những chiếc giường gỗ … làm chúng tôi ai cũng muốn thả mình trên đó để thư giãn và xóa tan hết những âu lo bộn bề của cuộc sống…
Sau khi thăm quan một vòng bản, chúng tôi được người dân bản dắt đi theo lối mòn lát đá do chính người dân bản tự làm dẫn đến Thác Trái Tim cách bản khoảng gần 2km, nơi có tảng đá hình trái tim phân tách đôi dòng nước, tạo thành cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo.
Chúng tôi trở lại bản và chia nhau ra để nhận phòng nghỉ của mình, tại bản hiện nay có gần 20 nhà làm nơi lưu trú cho khách theo mô hình homestay, các nhà trung bình có từ 5 – 10 giường, đặt biệt căn nhà sàn 2 tầng của Trưởng Bản Vàng A Chỉnh có 35 giường với sự trợ giúp nhiệt tình thân thiện của những chàng trai trong tổ vận chuyển của bản. Sự mệt mỏi sau một ngày thăm quan dường như đã tan biến bởi ai cũng háo hức mong chóng đến giờ dùng bữa tối tại bản với những món ăn từ thực phẩm do chính bà con dân bản nuôi trồng và thưởng thức các tiết mục văn nghệ của dân bản Sin Sui Hồ…
Khi mặt trời khuất sau rặng núi, màn đêm dần buông xuống, ánh sáng nhẹ tỏa ra từ những bóng đèn dưới các mái gianh nhà, tạo nên một khung cảnh vô cùng huyền ảo, không khí đầm ấm và thân thiện của người dân bản dường như đã xóa tan đi chút se lạnh của vùng cao khi đêm về… Cái cảm giác được ngồi bên mâm cơm giản đơn và cùng thưởng thức lời ca tiếng hát, điệu múa truyền thống của những chàng trai cô gái dân tộc Mông dưới đất trời bao la sẽ mãi khắc ghi trong lòng chúng tôi, dù là những người làm nghề, đã đi khắp năm châu bốn biển, cũng chẳng bao giờ có được cảm xúc này… Ai cũng muốn thời gian trôi chậm lại, để tâm hồn mình được lắng đọng lại, để kịp lưu giữ và trân quý những khoảng khắc này trong cuộc đời mỗi người… và rồi cảm xúc mỗi người lại chào dâng đến tột cùng khi tất cả tay trong tay, không phân biệt khách hay chủ, không phân biệt sắc tộc, cùng nhau nhảy múa bên ánh lửa phập phùng với nụ cười rạng rỡ trên môi…
Đêm đã khuya, những cơn gió nhẹ hiu hiu cuốn theo mùi hương thơm ngát từ những khóm hoa lan rừng trong bản đến từng ngôi nhà, len lỏi vào tận góc giường, làm chúng tôi thao thức mãi không thôi….
Ánh bình minh ló rạng dưới màn sương sớm, những tia nắng nhẹ vén những lớp mây dần tỏa sáng bản làng cũng là lúc chúng tôi trang phục và hành lý gọn gàng tập trung tại khu trung tâm của bản chuẩn bị lên xe trở về Thành phố Lai Châu tham dự chương trình Hội thảo xúc tiến du lịch của Tỉnh Lai Châu… Thật bất ngờ, không rõ từ khi nào, những người dân bản đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi một bữa tiệc buffet sáng, mà tôi nghĩ sẽ không nơi nào có được… Một bữa sáng “ buffet đặc biệt “ gồm những món giản dị mà ngon đến không ngờ : cháo gà, cơm rang, rau bí xào, ngô luộc, khoai luộc… được bày gọn gàng sạch sẽ trên những bàn tre mộc mạc giữa những mái gianh vốn là khu chợ của bản vào những ngày phiên chợ… Ai cũng đánh chén no nê để nạp lại năng lượng sau một đêm “ quẩy “ hết mình cùng bà con dân bản…
Giờ chia tay rồi cũng phải đến, bà con đứng dọc 2 bên đường tiễn chào, những cái bắt tay, những cái ôm chân thành, những lời cảm ơn được trao cho nhau mãi không dừng…… giọt lệ chưa rơi nhưng tâm trạng ai cũng bồi hồi xao xuyến, chẳng muốn rời xa…
Đoàn xe lăn bánh mà cảm giác như chậm hơn, bởi mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng nặng lòng với tình cảm của bà con dân bản nơi đây… để rồi ai cũng mong muốn dịch bệnh mau qua, để những người làm nghề du lịch như chúng tôi sẽ quảng bá, giới thiệu và tổ chức thật nhiều đoàn khách đến nơi này, một điểm đến ấn tượng không chỉ riêng của Tỉnh Lai Châu mà của cả vùng núi rừng Tây Bắc…
Nhớ mãi Sin Sui Hồ…